Trong bối cảnh đầy biến động của thời kỳ BANI, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều mô hình kinh doanh, và những biến động kinh tế toàn cầu tiếp tục đe dọa sự ổn định của thị trường. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp vốn là “thành trì” trên thị trường, nay lại đứng trước câu hỏi khó khăn: “Chúng ta sẽ đi đâu về đâu?”
Những mô hình chiến lược truyền thống từng giúp họ vươn lên mạnh mẽ giờ đây trở nên lỗi thời và không còn đáp ứng được tốc độ biến động.
Tuy nhiên, khó khăn cũng có thể chính là cơ hội. Câu hỏi đặt ra không chỉ là liệu có thể vượt qua, mà là làm thế nào để vượt qua, tái sinh và tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ BANI.
Chỉ trong 2 tuần vừa qua, tôi đã nhận được đề nghị từ 3 thương hiệu lớn nhờ hỗ trợ xây dựng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo. Lý do là “cách làm chiến lược/kế hoạch từ trước đến giờ không còn đúng nữa”. Với mong muốn giúp được nhiều doanh nghiệp hơn, xin mạo muội chia sẻ một vài đúc kết cá nhân nhằm tăng hiệu quả hoạch định và triển khai chiến lược.
Để tiết kiệm thời gian và giảm độ dài của bài viết, tôi sẽ sử dụng những khái niệm, công cụ và phát hiện từ bốn cuốn sách nổi tiếng (đều đã được dịch ra tiếng Việt) để hướng dẫn từng bước giúp các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chiến lược và mô hình kinh doanh linh hoạt, hiệu quả hơn.
* “Great by Choice” trả lời WHY: Lý do tồn tại và tầm quan trọng của việc duy trì tư duy chiến lược nhất quán.
* “Playing to Win” trả lời WHAT: Những gì doanh nghiệp cần làm để giành chiến thắng trên thị trường.
* “Blue Ocean Strategy” và “Business Model Generation” trả lời HOW: Cách thức cụ thể để thiết kế và thực thi chiến lược thông qua những lựa chọn cụ thể và mô hình kinh doanh.
Một cách vắn tắt, chiến lược trong giai đoạn hiện nay không phải là “danh sách những mục tiêu muốn đạt” mà là “quá trình tư duy và thử nghiệm” thông qua việc trả lời 5 câu hỏi lớn:
1. “What is our winning aspiration?”: Đâu là mục tiêu cuối cùng mà doanh nghiệp muốn đạt được.
2. “Where will we play?”: Lựa chọn thị trường mục tiêu và định vị trên thị trường.
3. “How will we win in chosen markets?”: Doanh nghiệp sẽ thực thi chiến lược như thế nào để đạt được thành công.
4. “What capabilities must we have?”: Xác định những năng lực cần thiết mà doanh nghiệp phải phát triển để thực hiện chiến lược.
5. “What management systems do we need?”: Tầm quan trọng của các hệ thống quản lý hỗ trợ, giúp doanh nghiệp duy trì sự đồng bộ và hiệu quả trong việc thực thi chiến lược.
Không dễ để trả lời những câu hỏi này. Dưới đây là một vài hướng dẫn cụ thể để tăng mức độ thuyết phục của chiến lược.
1. HIỂU RÕ THỜI KỲ BANI
Thời kỳ BANI mang đến một thực tế khắc nghiệt, nhưng cũng nhắc nhở chúng ta về bản lĩnh của người Việt: không bao giờ khuất phục trước khó khăn. Và rất tình cờ khi người Việt ta vốn có lợi thế với những “linh hoạt cần ứng biến” hơn là những “quy luật cần tuân thủ”. Để hiểu rõ bối cảnh nhằm có cơ sở xây dựng chiến lược phù hợp, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc phân tích SWOT trên cơ sở các phân tích thành phần KSFs, 5 tác lực cạnh tranh và PESTLE.
Checklist:
– Đã xác định được rằng ngành của mình đang có những diễn biến và diễn tiến nào?
– Có thấy được Mức độ sắn sàng và bổ trợ của Năng lực lõi mà doanh nghiệp của mình có được là như thế nào so với các đối thủ cạnh tranh khác? Đọc thêm bài “2024 – Chờ thời hay Kịp thời?” trong album “Giải pháp Phát triển” của tôi nếu cần thêm nguyên liệu.
– Từ đấy, đã thực hiện phân tích SWOT để hiểu rõ bối cảnh vĩ mô, ngành và doanh nghiệp?
– Đã thống nhất trong đội ngũ chủ chốt về những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến chiến lược?
Những công cụ này giúp doanh nghiệp nhận diện rõ những yếu tố ngoại cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động và điều chỉnh chiến lược một cách chủ động.
2. TÁI ĐỊNH NGHĨA MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC VỚI TẦM NHÌN DÀI HẠN (PLAYING TO WIN)
Trong những thời khắc khủng hoảng, rất dễ bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn để rồi bỏ qua tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp Việt cần làm lúc này không chỉ là “sống sót”, mà là định nghĩa lại mục tiêu chiến lược, lấy bền vững làm cốt lõi, nhưng vẫn không quên khát vọng vươn xa, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Tôi hay đề xuất khi làm chiến lược rằng: “đừng nghĩ xem nên xoay xở như thế nào, hay nghĩ xem nếu bây giờ khởi nghiệp lại một lần nữa, với những nguồn lực hiện có, ta sẽ làm gì”.
Những tầm nhìn chiến lược ấy có thể được gợi ý từ các phân tích xSWOT kết hợp với Vision Statement Canvas. Khi đã xác định xong, nếu cần cụ thể hoá hơn thì có thể sử dụng thêm Bản đồ chiến lược và OKRs để phát triển thêm và ghi nhận lại.
Checklist:
– Mục tiêu chiến lược có đến từ phân tích khách quan và tư duy hệ thống?
– Mục tiêu chiến lược đã được xác định rõ ràng và có sự đồng thuận từ các bên liên quan?
– Mục tiêu có thể đo lường được không (sử dụng OKR)?
– Tuyên bố tầm nhìn đã phản ánh được giá trị cốt lõi và khát vọng của doanh nghiệp?
Những công cụ này giúp doanh nghiệp không chỉ định nghĩa rõ ràng mục tiêu dài hạn mà còn đảm bảo rằng mọi người trong tổ chức đều hiểu và cùng hướng tới mục tiêu đó.
3. QUYẾT ĐỊNH THỊ TRƯỜNG VÀ PHÂN KHÚC BẰNG TƯ DUY THỰC TIỄN (PLAYING TO WIN & BUSINESS MODEL GENERATION)
Thị trường Việt Nam đa dạng và nhiều tiềm năng, nhưng không phải lúc nào cũng bình đẳng cơ hội cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần quyết định đúng nơi để đầu tư nguồn lực, xác định những thị trường hoặc phân khúc có tiềm năng phát triển thực sự trong giai đoạn mới.
BCG và Ansoff Matrix là những công cụ hữu ích để doanh nghiệp xác định các chiến lược tăng trưởng thông qua việc mở rộng thị trường hoặc phát triển sản phẩm. Kết hợp với STP Framework, doanh nghiệp có thể xác định phân khúc thị trường mục tiêu và định vị sản phẩm/dịch vụ một cách hiệu quả. Business Model Canvas giúp cụ thể hóa những quyết định này thành các yếu tố chính trong mô hình kinh doanh.
Những điều này vốn không có gì mới so với cách làm truyền thống. Nhưng trong giai đoạn này, yêu cầu cao hơn về mức độ kịp thời và chính xác của số liệu. Chúng ta liệu có thực sự nhận định và ra quyết định dựa trên số liệu (data-driven) hay chỉ nhận định theo kiểu chủ quan và cảm tính?
Checklist:
– Đã có số liệu cần thiết cho việc quá trình ra quyết định?
– Đã phân tích và chọn lựa các thị trường mục tiêu bằng công cụ STP?
– Đã sử dụng BCG/Ansoff Matrix để đánh giá các cơ hội mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm?
– Có kế hoạch cụ thể cho từng phân khúc thị trường chưa?
Bằng cách sử dụng các công cụ này, doanh nghiệp sẽ xác định được chính xác nơi cần tập trung nguồn lực để đạt được kết quả tối ưu và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp.
4. PHÁT TRIỂN LỢI THẾ CẠNH TRANH (PLAYING TO WIN & BUSINESS MODEL GENERATION)
Sự khác biệt chính là chìa khóa để thành công trong thời kỳ biến động. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây có thể là cơ hội để khẳng định những giá trị riêng biệt mà các doanh nghiệp quốc tế khó có thể sao chép, chẳng hạn như sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lòng trung thành của khách hàng địa phương, và sự sáng tạo mang tính bản địa.
VRIO Framework giúp doanh nghiệp đánh giá các nguồn lực và khả năng để xác định lợi thế cạnh tranh bền vững. Đồng thời, Value Proposition Canvas hỗ trợ tối ưu hóa giá trị mà sản phẩm/dịch vụ mang lại cho khách hàng, đảm bảo rằng doanh nghiệp đang khai thác tối đa lợi thế của mình.
Bài “CÀNG SÂU AM HIỂU – CÀNG NHIỀU CÁ TÔM” có thể cho một vài gợi ý để kết hợp thuộc tính sản phẩm dịch vụ, với nhu cầu của khách hàng, trải nghiệm của họ và lựa chọn chiến lược kèm theo.
Checklist:
– Đã xác định lợi thế cạnh tranh cốt lõi thông qua VRIO?
– Những lợi thế ấy tác động đến mức độ cảm nhận về chất lượng như thế nào trong trải nghiệm khách hàng?
– Đã xây dựng và tối ưu hóa bản đồ giá trị (Value Proposition Canvas) để khai thác chúng?
– Lợi thế cạnh tranh có khả năng bền vững trước sự thay đổi của thị trường?
Sử dụng các công cụ này giúp doanh nghiệp không chỉ bảo vệ mà còn mở rộng lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường.
5. XÂY DỰNG NĂNG LỰC LINH HOẠT VÀ TINH THẦN KHỞI NGHIỆP (PLAYING TO WIN & GREAT BY CHOICE)
Tinh thần khởi nghiệp đã luôn là một trong những động lực mạnh mẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp lâu năm cần tái khởi động tinh thần này. Đặc biệt là tại các doanh nghiệp lớn. Không chỉ để đổi mới, mà còn để phát triển các năng lực mới. Điều này bao gồm cả việc đầu tư vào con người và công nghệ, nhưng quan trọng hơn là tạo ra một văn hóa doanh nghiệp khuyến khích sự sáng tạo và thử nghiệm.
Duy trì một tỷ trọng “khởi nghiệp” nhất định bên cạnh đa phần “ổn định” sẽ là bí quyết của sự phát triển cân bằng và bền vững. Bất kỳ sự thái quá nào cũng sẽ là không tốt cho doanh nghiệp trong dài hạn. Một nền tảng số liệu được thiết kế tốt cũng sẽ giúp doanh nghiệp kịp thời và bớt cảm tính trong những quyết định của mình.
Balanced Scorecard là công cụ quản lý chiến lược hữu hiệu giúp doanh nghiệp đo lường và theo dõi tiến trình thực hiện chiến lược. Áp dụng các phương pháp quản lý linh hoạt như Agile cũng sẽ nâng cao khả năng thích ứng và sự linh hoạt của doanh nghiệp trong bối cảnh thay đổi liên tục.
Checklist:
– Đã thiết lập các KPI rõ ràng và gọn gàng cho việc đo lường tiến độ chiến lược?
– Có áp dụng các phương pháp quản lý linh hoạt như Agile để nâng cao hiệu quả và tốc độ triển khai không?
– Đã đầu tư đủ vào việc phát triển năng lực con người và công nghệ?
Việc sử dụng các công cụ này đảm bảo rằng doanh nghiệp luôn sẵn sàng thích ứng và nắm bắt cơ hội mới.
6. QUẢN TRỊ BẰNG TRÍ TUỆ VÀ NHÂN TÂM (PLAYING TO WIN & BUSINESS MODEL GENERATION)
Trong văn hóa kinh doanh Việt Nam, yếu tố con người luôn giữ một vai trò trung tâm. Các hệ thống quản trị không chỉ cần hiệu quả mà còn phải lấy con người làm trọng tâm. Trong bối cảnh BANI, điều này càng trở nên quan trọng khi doanh nghiệp cần sự đồng lòng, gắn kết từ mọi thành viên để vượt qua khó khăn.
Mô hình Servant Leadership tập trung vào việc nâng cao giá trị của nhân viên và thúc đẩy họ đạt được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, 360-Degree Feedback là công cụ giúp đánh giá hiệu quả lãnh đạo và tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, tin cậy.
Checklist:
– Các hệ thống quản trị có hỗ trợ và nâng cao năng lực của nhân viên không?
– Có áp dụng các mô hình lãnh đạo nhân văn như Servant Leadership?
– Môi trường làm việc có khuyến khích sự đồng lòng và gắn kết không?
Việc áp dụng những công cụ này giúp doanh nghiệp xây dựng một môi trường làm việc mà ở đó mỗi thành viên đều được phát huy tối đa tiềm năng của mình, đồng thời đảm bảo rằng mọi người đều cảm thấy được trân trọng và đóng góp vào sự thành công chung của doanh nghiệp.
7. HỌC HỎI TỪ THẤT BẠI: BÀI HỌC TỪ LỊCH SỬ (GREAT BY CHOICE)
Lịch sử đã cho thấy rằng, người Việt luôn biết cách vươn lên từ khó khăn. Những doanh nghiệp thành công nhất là những doanh nghiệp biết học hỏi từ thất bại, điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt và không ngừng tiến lên. Thời kỳ BANI có thể là một thử thách, nhưng cũng chính là cơ hội để chúng ta chứng minh tinh thần bất khuất của mình.
Chu trình PDCA (Plan-Do-Check-Act) giúp doanh nghiệp liên tục cải tiến quy trình, sản phẩm, và dịch vụ dựa trên phản hồi từ thực tế. Bên cạnh đó, công cụ Root Cause Analysis (RCA) hỗ trợ doanh nghiệp phân tích nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề để học hỏi từ thất bại và phát triển mạnh mẽ hơn.
Checklist:
– Có thực hiện các chu kỳ PDCA để đánh giá và cải tiến chiến lược không?
– Đã sử dụng RCA để hiểu và học hỏi từ các thất bại trước đây?
– Có xây dựng văn hóa doanh nghiệp khuyến khích việc học hỏi từ thất bại?
Những công cụ này giúp doanh nghiệp chuyển hóa thất bại thành những cơ hội học hỏi quý báu để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.
8. KỶ LUẬT VÀ KIÊN ĐỊNH TRONG HÀNH ĐỘNG (GREAT BY CHOICE)
Kỷ luật và kiên định là hai phẩm chất không thể thiếu trong bất kỳ hành trình nào, đặc biệt là trong giai đoạn đầy biến động như hiện nay. Đừng để sự lo lắng làm bạn chùn bước. Hãy kiên định theo đuổi mục tiêu, từng bước một, như cách người Việt luôn vượt qua mọi khó khăn bằng sự bền bỉ và kiên cường.
Phương pháp 20 Mile March giúp doanh nghiệp đặt ra các mục tiêu kiên định và thực hiện từng bước một cách nhất quán, bất kể điều kiện thị trường. Gantt Chart là công cụ lập kế hoạch và theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu chiến lược một cách đơn giản và trực quan.
Checklist:
– Đã xác định rõ các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn theo phương pháp 20 Mile March?
– Có sử dụng Gantt Chart hoặc các công cụ tương tự để theo dõi tiến độ và điều chỉnh kế hoạch khi cần?
– Đã xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết và khả thi?
Những công cụ này giúp doanh nghiệp duy trì kỷ luật và sự tập trung cần thiết để đạt được mục tiêu trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
9. TỐI ƯU HÓA MÔ HÌNH KINH DOANH ĐỂ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC (BUSINESS MODEL GENERATION)
Sau khi đã xây dựng chiến lược rõ ràng, doanh nghiệp cần phải cụ thể hóa chiến lược này thành mô hình kinh doanh khả thi và bền vững. Business Model Canvas là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp phân tích và tối ưu hóa từng yếu tố trong mô hình kinh doanh của mình, từ phân khúc khách hàng, giá trị đề xuất, đến các nguồn lực và dòng doanh thu.
Checklist:
– Mô hình kinh doanh có phản ánh đầy đủ và chính xác chiến lược đã đề ra không?
– Đã xác định rõ ràng các đối tác chủ chốt, hoạt động chính, và nguồn lực cần thiết để thực hiện chiến lược?
– Dòng doanh thu và cơ cấu chi phí có được tối ưu hóa để đảm bảo tính bền vững?
Việc sử dụng Business Model Canvas giúp doanh nghiệp kiểm soát và điều chỉnh mô hình kinh doanh để nó phù hợp và hỗ trợ tối đa cho chiến lược tổng thể.
KẾT LUẬN:
Trong thời kỳ BANI đầy biến động, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải giữ vững niềm tin và tận dụng sự linh hoạt, sáng tạo để xây dựng những chiến lược mạnh mẽ hơn. Bằng việc áp dụng những công cụ và phương pháp từ “Playing to Win”, “Great by Choice”, và “Business Model Generation” doanh nghiệp sẽ không chỉ vượt qua khó khăn mà còn vươn lên mạnh mẽ hơn.
Hãy nhớ rằng, sự thành công không chỉ đến từ việc lập kế hoạch tốt mà còn từ khả năng thực thi chiến lược thông qua một mô hình kinh doanh vững chắc và linh hoạt. Nếu bạn cần sự hỗ trợ thêm trong việc triển khai chiến lược này, hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm, những người có thể đồng hành và mang lại những giá trị thực tiễn giúp doanh nghiệp của bạn phát triển bền vững.
Nguồn FB Trần Bằng Việt